Với những người đã từng đến thành phố Dortmund đều có chung nhận xét là thành phố công nghiệp của vùng Ruhr rất buồn chán. Tuy vậy trong những ngày mà Borussia Dortmund thi đấu, thành phố như mang một diện mạo khác, đông đúc và sôi động khác thường. Các chuyến tàu điện miễn phí nếu đích đến là Signal Iduna Park đầy kín người trong trang phục Vàng Đen, tại sân bay Dortmund, khoảng 1,000 cổ động viên từ Anh đang rất hồ hởi đến với sân vận động tuyệt vời nhất châu Âu (theo bình chọn của tờ The Time năm 2009) để thưởng thức thứ bóng lôi cuốn và bia Brinkhoff trứ danh của vùng Ruhr.
Sân vận động của hy vọng đổi đời
Trong giai đoạn 1947 đến 1967 Borussia Dortmund được thừa nhận là một trong những câu lạc bộ Đức xuất sắc nhất, trong đó dấu ấn nổi bật nhất là chức vô địch Winner’s Cup 1966, danh hiệu châu lục cấp câu lạc bộ đầu tiên của bóng đá Đức. Tuy vậy, Vàng Đen (Die Schwarzgelben) vẫn phải gắn bó với sân vận động nhỏ bé và cũ kĩ có tên Stadion Rote Erde (có nghĩa là Sân Vận Động Bùn Đỏ). Dù rất muốn xây dựng một sân vận động mới phù hợp với danh tiếng của mình nhưng Vàng Đen bất khả thực hiện vì thành phố lúc đó đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế mà đặc biệt ngành công nghiệp năng lượng than đá và luyện kim.Stadion Rote Erde khi còn được sử dụng cho đội 1 (nguồn: Ruhrnachrichten) |
Ánh sáng hy vọng loé lên với người Dortmund khi Đức được chọn đăng cai World Cup 1974. Các sân vận động được chọn sẽ hỗ trợ một khoản tiền từ ngân sách trung ương để cải tạo và nâng cấp. Nhưng yêu cầu của Uỷ Ban Tổ Chức World Cup là quá tầm với thành phố, ít nhất 60,000 chỗ ngồi với 30,000 trong đó phải là chỗ ngồi. Chi phí dự kiến sẽ là 60 triệu mark Đức, và ngay cả có sự hỗ trợ của chính quyền, con số ấy cũng vượt quá tầm của Vàng Đen.
Nhưng năm 1971 thành phố Cologne bất ngờ từ chối quyền đăng cai và địa điểm phải dời sang thành phố Dortmund, cả phần quĩ dành cho sân RheinEnergie Stadion của Cologne cũng sẽ chuyển sang cho sân vận động mới của Dortmund. Và lúc này Uỷ Ban Tổ Chực World Cup đã phải nhún nhường một chút để đảm bảo Dortmund có thể xây kịp một sân mới trước World Cup. Và Westfalenstadion ra đời bằng một ngân sách chỉ có 32,7 triệu mark Đức với 53,872 chỗ, không có đường chạy và những phần chính sẽ làm bê tông đúc, rẻ hơn nhiều so với kế hoạch cũ. Và dĩ nhiên đây chính là sân vận động nhỏ nhất tại World Cup 1974.
Dù vậy tình cảnh của đội bóng tại Bundesliga lại không được tốt, năm 1972 Borussia Dortmund bị rớt hạng và có thời điểm Stadion Rote Erde chỉ đón nhận 9,000 người đến sân. Điều này rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của đội bóng đã lên đỉnh châu Âu chỉ 6 năm trước. Sân vận động mới là một niềm hy vọng cũng là canh bạc với người Dortmund.
Và trong canh bạc này người Dortmund đã giành thắng lợi ngoạn mục. Một trong những ngôi sao bóng đá được săn đón nhất châu Âu lúc bấy giờ là Johan Cruyff và đội tuyển Hà Lan của Rinus Michels đã thi đấu không chỉ một mà là tới ba trận tại World Cup 1974. Không khí của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã ảnh hưởng tích cực lên người dân Dortmund. Tình yêu với trái bóng được hâm nóng lại và họ tạm quên nỗi buồn kinh tế để đến sân cổ vũ đội bóng tại giải hạng Nhì. Và điều gì đến cũng đến, năm 1976 Vàng Đen giành quyền thăng hạng và trụ lại suốt từ đó.
Johan Cruyff và đồng đội thi đấu ở Westfalenstadion 3 trận tại World Cup 1974 (ảnh: The Sun)
Signal Iduna Park
Gerd Niebaum là vị chủ tịch bị ghét bậc nhất trong lịch sử Borussia Dortmund dù ông là người kiến tạo nên giai đoạn vàng son nhất lịch sử đội bóng ở những năm 1990. Khi từ chức vào tháng 10.2004 Gerd Niebaum đã để lại khoản nợ lên đến gần 200 triệu euro cho người kế nhiệm phải giải quyết và khi đó sân Westfalenstadion đã bị chuyển quyền sở hữu cho nhóm nhà đầu tư do Florian Homm đứng đầu đồng thời là chủ nợ của đội bóng.Ê kip kế nhiệm bao gồm chủ tịch Reinhard Rauball, CEO Hans Joachim Watzke và Giám Đốc Phụ Trách Tài Chính Thomas Treß đã thành công trong việc thuyết phục các bên liên quan rằng Borussia Dortmund vẫn còn khả năng chi trả các khoản nợ và việc đẩy đội bóng đến cảnh phá sản hoàn toàn không có lợi cho bất kì ai.
Những ngôi sao đắt giá hưởng lương cao được đem bán, những người ở lại như Dedé hay Sebastian Kehl đồng ý giảm lương hoặc nhận lương bằng cổ phiếu để giúp đội bóng. Những nỗ lực của ê kíp kế nhiệm đã có những hiệu quả đáng kể. Năm 2006, Borussia Dortmund mua lại quyền sở hữu đội bóng với sự trợ giúp tài chính từ tập đoàn Stanley Morgan và để có thêm phần tiền trả nợ, ban lãnh đạo quyết định bán tên sân cho tập đoàn ở vùng Ruhr là Signal Iduna, sân mới mang tên là Signal Iduna Park trong nỗi tiếc nuối của người hâm mộ nhưng không ai có thể bỏ qua hành động hào hiệp của tập đoàn Signal Iduna.
Westfalenstadion giờ được biết tới với tên gọi Signal Iduna Park (ảnh: Dortmund.de)
Südtribüne
Südtribüne để chỉ phần khán đài phía Nam của sân Signal Iduna Park, đây là phần khán đài đứng lớn nhất tại châu Âu với sức chứa 24,454 người là nơi tập trung những cổ động viên cuồng nhiệt của đội bóng. Và trong suốt 90 phút thi đấu, khán đài này không bao giờ ngồi mà luôn hò reo và phất những cây cờ khổng lồ tạo ra bầu không khí độc nhất vô nhị trên toàn châu Âu.“Bức Tường Vàng mới là thứ đáng sợ nhất khi thi đấu ở Dortmund!” – Bastian SchweinsteigerCó một truyền thống được tạo ra và duy trì dưới thời Juergen Klopp là các cầu thủ dù thắng hay thua thì sau trận sẽ ra chào khán giả tại khu vực này. Thậm chí các cầu thủ mang băng đội trưởng còn phải ra chào các thủ lĩnh của nhóm ultra. Tháng 02.2015, một trong những hình ảnh gây sốt nhất bóng đá đã diễn ra tại đây khi Borussia Dortmund để thua Augsburg và rớt xuống đáy bảng xếp hạng. Các cổ động viên đã không thể chịu được nổi nữa và buông lời trách móc các cầu thủ. Lần lượt Roman Weidenfeller và Mats Hummels phải ra tận hàng rào để xin lỗi và sau cùng, không còn những trách móc mà chỉ là những lời an ủi của cổ động viên.
Một trong những khoảnh khắc bóng đá xúc động nhất năm 2015 (ảnh: Daily Mail)
Một trong những điều ngược đời nhất ở sân Signal Iduna Park là việc vé đứng ở Südtribüne là những chiếc vé được tìm kiếm nhiều nhất. Nhưng hầu hết tất cả đều đã được bán theo dạng mua trọn mùa từ khi mùa giải bắt đầu, điều đó có nghĩa để biến mình trở thành một phần của Südtribüne bạn chỉ có cách năn nỉ các cổ động viên địa phương cho mượn vé của họ hoặc làm như các cổ động viên từ Anh, mua vé ở khu Vip gần đó, xong leo qua hàng rào để để được đứng ở khu vực bình dân!
Vĩ thanh
Trong tác phẩm lừng danh Nhà Giả Kim của Paulo Coelho, tác giả luôn nhấn mạnh sự quan trọng của việc con người và vạn vật xung quanh có thể cùng giao tiếp với nhau chung một thứ ngôn ngữ, có được điều đó vạn vật sẽ bảo bọc và dẫn đường cho con người đi qua những sóng gió, hướng đến những thành tựu tích cực trong cuộc sống.Triết lí của Paulo Coelho có lẽ là hoàn toàn chính xác trong trường hợp của Borussia Dortmund khi đội bóng và người hâm mộ hoà cùng một nhịp điệu ngôn ngữ với sân vận động Signal Iduna Park, bất kì đội bóng nào dù sức mạnh và danh tiếng có vượt trội so với Vàng Đen thì cũng là thử thách khổng lồ khi làm khách tại đây.
Những năm gần đây thứ ngôn ngữ ấy còn được thấu hiểu bởi người Anh, mỗi tuần có hàng nghìn cổ động viên từ Anh bay sang Dortmund để trải nghiệm thứ bóng đá ở thiên đường, với chi phí đi lại, uống bia, thưởng xúc xích Đức và quan trọng nhất là một chiếc vé vào sân Signal Iduna Park vẫn rẻ hơn rất nhiều so với điều tương tự tại Anh.
“Tại sao mọi thứ lại rẻ vậy? Bóng đá là một phần của cuộc sống và chúng tôi muốn mở cửa ra đón chào tất cả mọi người từ mọi thành phần xã hội. Chúng ta cần những con người ấy, họ trao cho chúng ta những trái tim và những cảm xúc của họ. Họ chính là tài sản quan trọng nhất của câu lạc bộ. Hỏi tiền từ các nhà tài trợ bao giờ cũng dễ dàng hơn là bạn đòi điều đó từ các người hâm mộ của bạn!” – Carsten Cramer, giám đốc phụ trách Marketing của Borussia Dortmund cho biếtVì thế, đây chính là thiên đường của bóng đá!
Blog admin #Lukasz: https://lukaszbvb.wordpress.com
#Lukasz #BVBVietNam
Bình luận nếu bài viết hay: